Sự kiện Thảm sát Mỹ Lai

Bối cảnh

Anh ta bắn [đứa bé] bằng khẩu M1911. Nhưng trượt. Chúng tôi cùng cười. Anh ta tiến thêm khoảng 1 mét rồi lại bắn trượt. Chúng tôi tiếp tục cười. Cuối cùng anh ta dí súng vào đầu đứa bé và cho nó ăn kẹo đồng.[8][9]

Đại đội Charlie thuộc Tiểu đoàn số 1, Trung đoàn bộ binh số 20, Lữ đoàn bộ binh số 11, Sư đoàn bộ binh số 23, Lục quân Hoa Kỳ, tới Nam Việt Nam tháng 12 năm 1967. Trong tháng đầu tiên tại Việt Nam họ không có cuộc chạm trán nào với đối phương nhưng vẫn phải chịu nhiều thương vong. Tính cho đến giữa tháng 3 năm 1968, thương vong của đơn vị này là 5 người chết, 23 người bị thương, trong đó phần lớn binh sĩ thiệt mạng vì mìn và bẫy.

Trong thời gian diễn ra Sự kiện Tết Mậu Thân (tháng 1 năm 1968), Tiểu đoàn 48 của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (thường được quân đội Hoa Kỳ gọi là Việt Cộng) đã tiến hành một số cuộc tấn công trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Tình báo Mỹ cho rằng sau Sự kiện Tết Mậu Thân, Tiểu đoàn 48 đã rút lui về ẩn náu tại địa bàn làng Sơn Mỹ thuộc tỉnh này, cụ thể là các thôn Mỹ Lai 1, 2, 3 và 4.

Lục quân Hoa Kỳ quyết định tổ chức một cuộc tấn công lớn vào các làng bị nghi ngờ này. Đại tá Oran K. Henderson ra lệnh cho các sĩ quan cấp dưới "đánh mạnh vào đây, tiến gần kẻ địch và xóa sạch chúng"[10]. Trung tá Frank A. Barker ra lệnh cho các chỉ huy của Tiểu đoàn 1 đốt các ngôi nhà, giết sạch gia súc, phá hủy các kho lương thực và giếng nước[11]

Vào hôm trước của cuộc tấn công, tại cuộc họp chiến thuật của Đại đội Charlie, đại úy Ernest Medina thông báo cho lính của mình rằng gần như mọi dân làng sẽ ra chợ vào lúc 7 giờ sáng, tất cả những ai còn ở lại đều là lính Việt Cộng hoặc người giúp đỡ Việt Cộng[12]. Một số binh sĩ của đại đội Charlie sau này đã khai rằng mệnh lệnh của Medina theo như họ hiểu là giết toàn bộ du kích, lính Việt Cộng và những ai "khả nghi" (bao gồm cả phụ nữ, trẻ em), đốt trụi làng và đầu độc các giếng nước[13].

Trung đội 1 được chỉ định là đơn vị xung kích của Đại đội Charlie trong cuộc tấn công. Ngoài Charlie, còn có 2 đại đội khác có nhiệm vụ bao vây làng Sơn Mỹ.

Vào tối ngày 15 tháng 3 năm 1968, chỉ huy đại đội Charlie, đại úy Ernest Medina đã ra lệnh cho quân lính của mình rằng ngày hôm sau bọn họ sẽ triển khai theo kế hoạch đã định nhắm vào một địa điểm gọi là "Pinkville". Binh sĩ Harry Stanley nhớ lại, "Medina ra lệnh cho chúng tôi giết hết thảy mọi thứ trong làng". Salvatore LaMartina, một lính bộ binh lúc đó, cũng nhớ lại gần như nguyên văn lời của Medina: "Hãy giết sạch tất cả những gì còn sống". Trong tâm trí của sĩ quan pháo binh James Flynn vẫn còn bị ám ảnh câu hỏi của đồng đội: "Chẳng nhẽ chúng ta cũng giết cả phụ nữ lẫn trẻ em sao?" và Medina trả lời ngắn gọn: "Hễ thấy gì động đậy là giết"[14]

Vụ thảm sát

Lính Mỹ đốt nhà tranh.
Vài người cố dậy và bỏ chạy. Họ không thể và ngã xuống. Tôi nhớ có một người phụ nữ, chị ta đứng dậy và cố gắng làm việc đó - cố gắng chạy - với một đứa bé trên tay. Nhưng chị không thể.[15]

Sáng ngày 16 tháng 3, sau một đợt công kích dọn chỗ ngắn bằng pháosúng máy bắn từ trực thăng, Đại đội Charlie đổ bộ vào làng Sơn Mỹ. Các binh sĩ của đơn vị này không tìm thấy bất cứ lính Việt Cộng nào trong làng, thay vào đó chỉ có những người dân thường, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, đang cố gắng tìm chỗ ẩn nấp trước cuộc càn quét của quân đội Mỹ. Nhiều người trong làng vẫn còn đang nấu cơm sáng. Tuy nhiên, binh lính đã răm rắp tuân lệnh đại đội trưởng Medina. Cả đại đội bắt đầu giết chóc, "tàn sát bất cứ thứ gì động đậy".

Trung đội của thiếu úy William Calley bắt đầu xả súng vào các "địa điểm tình nghi có đối phương", những người dân thường đầu tiên bị giết chết hoặc bị thương bởi các loạt đạn bừa bãi này. Sau đó lính Mỹ bắt đầu hủy diệt tất cả những gì chuyển động, người, gia súc, gia cầm... Họ bị giết bằng các loạt súng, bằng lưỡi lê hoặc bằng lựu đạn với mức độ tàn bạo mỗi lúc một cao. Lính Mỹ quăng lựu đạn vào nhà mà không thèm bận tâm xem trong nhà có gì. Một sĩ quan túm tóc một người đàn bà và dùng súng ngắn bắn thẳng vào người đó. Một phụ nữ vừa ôm con nhỏ bước ra khỏi nhà liền bị bắn chết ngay lập tức, khủng khiếp hơn, một lính Mỹ liền dùng khẩu súng trường tự động M16 xả đạn bắn tung xác đứa trẻ sơ sinh khi nó vừa rơi xuống đất.

Đài BBC News mô tả lại cảnh này:

Binh lính bắt đầu nổi điên, họ xả súng vào đàn ông không mang vũ khí, đàn bà, trẻ em và cả trẻ sơ sinh. Những gia đình tụm lại ẩn nấp trong các căn lều hoặc hầm tạm bị giết không thương tiếc. Những người giơ cao hai tay đầu hàng cũng bị giết... Những nơi khác trong làng, nỗi bạo tàn [của lính Mỹ] mỗi lúc chồng chất. Phụ nữ bị cưỡng bức hàng loạt; những người quỳ lạy xin tha bị đánh đập và tra tấn bằng tay, bằng báng súng, bị đâm bằng lưỡi lê. Một số nạn nhân bị cắt xẻo với dấu "C Company" ("Đại đội C") trên ngực. Đến cuối buổi sáng thì tin tức của vụ thảm sát đến tai thượng cấp và lệnh ngừng bắn được đưa ra. Nhưng Mỹ Lai đã tan hoang, xác người la liệt khắp nơi.[16]

Vài chục người bị dồn vào một mương nước và xả súng giết chết, một số chỗ khác cũng xảy ra những giết hàng loạt như vậy[17]. Một nhóm lớn gồm khoảng 70 hoặc 80 dân làng nằm trong vòng vây của Trung đội 1 ở trung tâm làng bị Calley đích thân giết hoặc ra lệnh cho cấp dưới giết. Các binh sĩ của Trung đội 2 đã giết ít nhất từ 60 đến 70 dân làng bao gồm cả đàn ông, đàn bà và trẻ em trong khi đơn vị này càn qua nửa phía bắc của thôn Mỹ Lai 4 và Bình Tây[4].

Sau cuộc càn quét đầu tiên của Trung đội 1 và 2, Trung đội 3 được lệnh giải quyết bất cứ sự "kháng cự còn lại" nào. Ngay lập tức lính Mỹ giết tất cả những người và gia súc còn sống nhưng không may bị họ tìm được. Ngay cả những người giơ tay đầu hàng từ chỗ ẩn nấp hoặc những tiếng rên cất lên từ các đống xác người cũng bị những lính Mỹ này "giải quyết". Trung đội 3 cũng là đơn vị bao vây và giết một nhóm khoảng từ 7 đến 12 dân thường chỉ gồm phụ nữ và trẻ em[4].

Vì Đại đội Charlie không gặp bất cứ sự kháng cự nào của "quân địch", Tiểu đoàn 4 thuộc Trung đoàn bộ binh số 3 bắt đầu chuyển hướng càn quét sang các xóm của thôn Mỹ Khê 4 và giết khoảng 90 dân thường. Có một binh sĩ Mỹ chết và 7 người khác bị thương vì mìn và bẫy cá nhân[4]. Trong vòng 2 ngày tiếp theo, các đơn vị lính Mỹ tiếp tục việc đốt phá các làng xóm và tra tấn những người bị bắt. Các lính Mỹ nếu không tham gia vào các tội ác thì cũng không phản đối hoặc báo cáo lại nó với cấp trên[18]

"Có thể nói đa phần lính trong đơn vị tôi không coi dân Việt Nam là người"[19]

Thôn Cổ Lũy

Tại thôn Cổ Lũy, vừa bước ra khỏi máy bay, một trung đội đã xông vào xóm Mỹ Hội. Lính Mỹ chia thành nhiều tốp, sục đến từng nhà, tìm đến từng hầm. Nhà bị sục đầu tiên là nhà ông Lệ lúc trong hầm nhà này có 15 người đang trú ẩn. Thấy lính Mỹ kéo đến, 8 người trong hầm bước ra, liền bị xả súng bắn chết tất cả, xác đè lên nhau. Lính Mỹ tiếp tục ném mìn vào hầm, giết nốt những người còn lại

Một tốp lính Mỹ khác kéo vào nhà chị Trinh ở cạnh. Con chị Trinh là cháu Đức 8 tuổi từ trong hầm chạy ra liền bị bắn chết khi miệng còn ngậm đầy cơm. Giết xong cháu bé, tốp lính Mỹ đặt mìn giật tung hầm giết chết cả thảy 7 người gồm mẹ con chị Trinh và ba mẹ con chị Hòa, không một ai được toàn thây.

Xác người dân bị giết bên cạnh ngôi nhà bị đốt cháy

Chị Võ Thị Mại vừa mới sinh hôm trước, sức yếu không kịp xuống hầm trú ẩn, đã bị lính Mỹ lột hết quần áo rồi hãm hiếp cho đến chết. Đứa bé mới sinh và hai con chị đang núp trong hầm cũng bị lính Mỹ bắn chết. Chị Ngôn có mang đến gần ngày sinh cũng bị hãm hiếp, hiếp xong lính Mỹ dùng lưỡi lê đâm thủng bụng, bào thai lòi hai chân ra ngoài. Ba đứa con của chị cũng bị lính Mỹ bắn chết tất cả. Chị Võ Thị Phụ bị bắn chết đang lúc cho con bú, lính Mỹ chất cỏ khô lên cả hai mẹ con rồi châm lửa đốt. Thi thể hai mẹ con bị lửa thiêu co quắp cả chân tay, bộ xương của cháu bé vẫn còn nằm nguyên trên xác mẹ.

Hai chị Ngô Thị Mùi, Ngô Thị Một bị lính Mỹ lôi ra khỏi hầm, thay nhau hãm hiếp, hiếp xong lính Mỹ xô hai chị em vào lại trong hầm, giật mìn giết luôn cả hai chị em cùng 4 đứa con nhỏ của chị Mùi trong đó. Gia đình ông Võ Mãi có bốn người bị giết hết. Hầm nhà ông Võ Toan có sáu người, bị lính Mỹ ném lựu đạn vào giết chết 4 người. Hầm nhà bà Nguyễn Thị Thi bị đánh sập, có 2 bà già và 6 em nhỏ bị chết, chỉ sót lại một cháu bé 10 tuổi bị thương nặng. Trong số 16 gia đình khác trong xóm có 7 cụ già, 12 phụ nữ, 17 trẻ em dưới 15 tuổi đều bị bắn chết. Nhà cửa trong xóm đều bị thiêu hủy. Cả thôn Cổ Lũy có 97 người bị tàn sát, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em.

Hành động giải cứu

Hugh Thompson, người đã giải cứu dân thường trong vụ thảm sát.
Quang cảnh phía dưới trông như một bể máu! Cái quái gì đang xảy ra vậy?[20]

Chuẩn úy Hugh Thompson, Jr., phi công trực thăng 24 tuổi thuộc đơn vị trinh sát trên không, ngay khi bay qua làng đã chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp: vô số xác người chết, tất cả đều chỉ là trẻ con, phụ nữ và người già, không hề có dấu hiệu của người thuộc độ tuổi tòng quân hay vũ khí ở bất cứ đâu. Đội bay của Thompson tận mắt nhìn thấy đại úy Medina đá và bắn thẳng vào đầu một phụ nữ không có vũ khí (Medina sau này tuyên bố người phụ nữ có mang một quả lựu đạn)[21]. Sau khi chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng này, đội bay Thompson cố gắng thực hiện các cuộc điện đàm để cứu những người bị thương. Chiếc trực thăng của họ hạ cánh xuống một cái mương đầy xác người, trong đó vẫn còn người cử động. Thompson đề nghị một sĩ quan cứu người đó ra khỏi cái mương, viên sĩ quan này trả lời anh ta sẽ "giúp họ thoát khỏi nỗi khốn khổ". Cho rằng đây là một câu đùa, chiếc trực thăng của Thompson cất cánh, ngay lúc đó một người của phi đội thốt lên "Chúa ơi, anh ta đang xả súng vào cái mương".

Thompson sau đó nhìn thấy một nhóm dân thường (lại chỉ bao gồm phụ nữ, trẻ em và người già) trong một căn hầm tạm đang bị lính Mỹ tiếp cận. Chiếc trực thăng của phi đội Thompson hạ cánh và cứu được khoảng từ 12 đến 16 người trong căn hầm. Phi đội Thompson sau đó còn cứu được một đứa bé toàn thân đầy máu nhưng vẫn sống sót từ trong cái mương đầy xác người. Thompson sau đó đã báo cáo lại những gì anh nhìn thấy cho chỉ huy của mình, thiếu tá Watke, trong báo cáo Thompson đã dùng những cụm từ như "murder" (giết người) và "needless and unnecessary killings" (sát hại vô cớ và không cần thiết). Báo cáo của Thompson được các phi công và phi đội khác xác nhận[22].

Năm 1998 tại thủ đô Washington D.C., ba cựu sĩ quan thuộc phi đội Thompson gồm chỉ huy phi đội Glenn Andreotta, phi công Hugh Thompson và xạ thủ Lawrence Colburn đã được trao tặng Soldier's Medal (Huy chương Chiến sĩ) vì hành động ngăn cản đồng đội giết dân thường[23].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thảm sát Mỹ Lai http://www.smh.com.au/articles/2006/01/07/11366099... http://amarillo.com/stories/120600/fri_120600-36.s... http://www.consortiumnews.com/archive/colin3.html http://www.courttv.com/archive/greatesttrials/myla... http://www.crimelibrary.com/notorious_murders/mass... http://findarticles.com/p/articles/mi_m1374/is_n1_... http://imdb.com/title/tt1051718 http://www.latimes.com/news/nationworld/nation/wir... http://select.nytimes.com/gst/abstract.html?res=F7... http://www.pierretristam.com/Bobst/library/wf-200....